Các nhà bán lẻ luôn có cách làm “rối tinh” bất cứ kế hoạch mua sắm nào của người tiêu dùng. Đôi khi chỉ với những hành động rất nhỏ nhưng lại đánh trúng tâm lý khách hàng khiến họ nghĩ mình được quan tâm, được nâng tầm, có tác dụng rất lớn trong quyết định chi tiêu mua sắm của người tiêu dùng.
Thẻ khách hàng, phiếu giảm giá
Cầm một tấm thẻ khách hàng trong tay, bạn sẽ có cảm giác mình là “khách vip” của cửa hàng, siêu thị đó. Nhưng chúng không hề miễn phí tí nào đâu. Những tấm thẻ này chính là mối liên kết trói buộc người tiêu dùng không “đang tâm” chạy sang cửa hàng đối thủ để mua hàng, qua đó giảm bớt tính cạnh tranh và “giữ giá” bán cho cửa hàng đó mà chẳng ai hay. Và nếu như bạn nhận thấy thông báo, khách hàng trung thành sẽ được một tách cà phê miễn phí, thì chắc chắn trước đó, bạn đã phải mua đủ số hộp cà phê cần thiết cho nhà sản xuất rồi. Cảm giác được đánh giá cao luôn khiến bất cứ ai cũng có thể trở nên thiếu sáng suốt trong chi tiêu. Tương tự, bằng cách cung cấp các thẻ giảm giá cho người tiêu dùng, họ sẽ chạy đi mua sản phẩm đó dù thực tế, chúng chẳng hề hữu ích.
Một đội ngũ nhân viên thân thiện cũng có tác dụng tương tự như một chiếc thẻ “trung thành” vậy. Họ sẽ là “những nhân viên massage chuyên nghiệp” xoa dịu bất cứ nỗi đau xót nào khi khách phải móc hầu bao. Nhưng ở Việt Nam, đội ngũ nhân viên này chưa đủ độ khéo léo cần thiết nên nhiều khi lại gây tác dụng ngược làm người tiêu dùng “bực mình” nhiều hơn.
Mẫu dùng thử
Mẫu dùng thử rất hay được áp dụng cho những sản phẩm mới với đồ ăn, đồ uống hơn. Đơn giản là khi lôi kéo được khách hàng thử dùng một viên kẹo hay một mẩu bánh, họ đã thành công bước đầu trong việc tạo sự chú ý của người dùng bằng thị giác và bước kế tiếp là đánh vào vị giác của người mua, qua đó, kích thích việc mua hàng nhiều hơn.
Hàng “cao cấp giá rẻ”
Các sản phẩm “giá rẻ” thường được đặt cạnh các sản phẩm giá cao. Không phải các nhà bán lẻ muốn tạo cơ hội cho khách hàng so sánh giá được tốt hơn. Làm như vậy, người tiêu dùng khi chọn sản phẩm “giá rẻ” sẽ vô thức tin rằng chúng… rẻ thật, ngay cả khi ở một vị trí khác, có cả tấn hàng với giá bán phải chăng đang chờ người đến lấy. Và nếu chọn một sản phẩm đắt tiền tự dưng khách hàng dễ có cảm giác: “mình là người có tiền” và vì thế, họ chẳng hề ngần ngại nếu mua thêm vài phụ kiện kèm theo, vì giá cả của chúng chỉ là “bèo bọt” so với thứ hàng cao cấp đắt giá vừa mua. Trong khi đó, ít ai biết rằng, chính những thứ phụ kiện lặt vặt giá rẻ này nếu được bán số lượng lớn mới là vùng kiếm lời nhiều nhất của nhà bán lẻ.
Chấp nhận thẻ tín dụng
Việc các cửa hàng chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt sẽ hạn chế chi tiêu rất nhiều, bởi không ai có thể cầm một số tiền quá lớn ra khỏi nhà, và họ càng không thể mua nhiều hơn số tiền đó. Hơn nữa, khi cầm tiền mặt đi chi tiêu, chính người tiêu dùng đã mặc định giới hạn sự mua bán trong tầm tiền đó. Nhưng thẻ tín dụng thì lại khác. Chúng cho phép mọi người chi tiêu nhiều hơn kế hoạch và khó kiểm soát được số tiền đã chi. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà hệ thống thanh toán qua thẻ lại phát triển cực mạnh ở một nền “kinh tế bán lẻ” như Mỹ.
Gợi ý gọi thêm đồ cho đến khi khách nói: “Không!”
Rất dễ thấy ở các cửa hàng ăn nhanh, khi những cô nhân viên xinh đẹp thường đưa thêm gợi ý dù bạn đã chọn xong bữa ăn cho mình. Chẳng hạn, họ sẽ hỏi “Quý khách có muốn dùng thêm khoai tây chiên không?”. Nếu bạn trả lời có, họ sẽ hỏi tiếp “Quý khách cũng dùng thêm đồ uống chứ?” hoặc “Sao quý khách không chọn suất này nhỉ, vừa có đồ uống đủ nhiều vừa có khoai tây chiên?” Và họ cứ hỏi dồn như thế cho đến khi bữa ăn của bạn đã “phình” lên quá lớn và bạn chỉ còn cách nói “không, xin cảm ơn!”. Các cửa hàng bán lẻ khác cũng như vậy thôi. Nếu bạn đi mua một cái máy in, nhân viên bán hàng sẽ đề nghị bạn mua thêm giấy, mực, mở rộng thời gian bảo hành… cho đến khi bạn dứt khoát từ chối. Nhưng khoảng thời gian từ lúc mời chào đến khi khách đưa ra quyết định dừng lại, người bán hàng cũng đã khiến người mua chú ý đến các mặt hàng của họ và biết đâu họ lại mua tiếp cho lần sau.