Những năm gần đây, sản phẩm hữu cơ đã trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều hộ gia đình. Không chỉ dừng lại ở các loại nông sản, thực phẩm organic, ngay cả các loại hóa mĩ phẩm như xà phòng, dầu gội, nước rửa bát, … cũng được khách hàng lựa chọn nguồn gốc từ các nguyên liệu thân thiện môi trường. Biến đổi khi hậu và sự chuyển dịch trong nhu cầu khách hàng sang các lựa chọn xanh đòi hỏi doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược để đón đầu xu hướng mới.
Khảo sát về xu hướng tiêu dùng xanh của Intage Việt Nam cho thấy 95% người tiêu dùng tại Hà Nội và Hồ Chí Minh có ý thức về bảo vệ môi trường. Và nhận thức này đã chuyển thành hành động với 59% người tiêu dùng lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn. Một số con số đáng lưu ý khác:
- 44% người tiêu dùng tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới không cần thiết
- 61% tắt các thiết bị điện khi không sử dụng
- 39% khách hàng hạn chế sử dụng thực phẩm đóng gói, công nghiệp
- 73% khách hàng sử dụng thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên
- 44% khách hàng hạn chế sử dụng túi nhựa/nilon
- 80% khách hàng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch, sản xuất từ các nguyên liệu thân thiện với môi trường
Có thể thấy, tiêu dùng xanh không còn là một khái niệm xa lạ mà đã dần trở nên phổ biến trong đời sống hàng ngày. Đặc biệt kể từ địa dịch COVID-19, người tiêu dùng đã quan tâm tới các vấn đề về sức khỏe và đặc biệt ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, quy trình sản xuất sạch không gây hại đến môi trường.
Xu hướng tiêu dùng này ngày càng mạng mẽ và phổ biến ở nhiều khu vực trên thế giới. Các nước Châu Âu đang áp dụng nhiều các tiêu chuẩn cao, nâng cao yêu cầu về chất lượng đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững, áp dụng các chỉ số ESG với hàng hóa nhập khẩu.
Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần chịu trách nhiệm với tuyên bố xanh và chủ động đưa ra bằng chứng hoạt động liên quan đến lĩnh vực này. Thực hiện các báo cáo ESG, báo cáo phát triển bền vững để thu hút nhà đầu tư, khách hàng và cả nhân sự chất lượng cao. Một số chiến lược giúp doanh nghiệp đón đầu xu hướng tiêu dùng xanh:
- Thực hiện các hoạt động đánh giá nội bộ hoặc chuyên gia về chiến lược giảm phát thải và hiệu quả thực thi ESG. Đồng thời thay thế, giảm thiểu bao bì nhựa; đầu tư, cam kết sử dụng năng lượng bền vững, thân thiện với môi trường.
- Đầu tư phát triển công nghệ thu thập dữ liệu ESG. Ứng dụng công nghệ, AI, tự động hóa nhằm cải thiện và tối ưu quy trình, chuỗi cung ứng, giảm lãng phí nước, năng lượng và nguyên liệu.
- Các doanh nghiệp bán lẻ nên dán nhãn carbon trên sản phẩm, tiên phong sử dụng xe điện để vận chuyển hàng hóa, cho phép khách hàng theo dõi về tác động của sản phẩm tới môi trường, cung cấp nhiều sản phẩm chay, hữu cơ và sản phẩm địa phương.
- Các nhà quản lý cần giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm và tăng cường dự báo nhu cầu thị trường để doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất theo hướng phù hợp, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và đón đầu xu hướng tiêu dùng xanh của khách hàng.